Bài viết mới

Menu

Cái "Duyên" trong cuộc sống

Nước ngoài có câu nói: "Beauty is in the eye of the beholder", tạm dịch là: Đẹp rất quan trọng nhưng có duyên/thu hút còn quan trọng hơn. Điều đó cho thấy cái Duyên nó được coi trọng thế nào. Cùng tìm hiểu về Duyên nhé


“Duyên” rất quan trọng đối với mỗi người. Ông bà ta thường nói:

“Còn duyên kẻ đón người đưa,

Hết duyên đi sớm, về trưa một mình.”

Để ám chỉ cũng là một con người như bao người khác nhưng khi xuất hiện trước mọi người thì có người được mọi người “hâm mộ”, “săn đón”; còn có người thì hình như bị đám đông … “lãng quên”. Đó là do người này có “Duyên” hơn người kia. Vậy “Duyên” là gì? mà sao lại quan trong như vậy? Đặc biệt là đối với phụ nữ trẻ (người ta hay nói: duyên con gái). Đó là câu hỏi mà không ít người, nhất là phụ nữ xưa và nay, đều hơn một lần trong đời thắc mắc. Nhưng câu hỏi này các đấng mày râu cũng nên suy ngẫm, vì không ít người “mất điểm” trầm trọng trong lòng người khác vì “không có duyên”, “cái mặt không chơi được”, “con trai gì mà vô duyên tệ”, vân vân. Người xinh đẹp, có bề ngoài “ưa nhìn”, “dễ thương” thì không nói chi, nhưng có những người không xinh, không có mấy ngoại hình lại làm bao con tim rung động chỉ vì “nhìn duyên lạ lùng”. Đúng không nhỉ? Làm sao để có duyên? Vậy cái duyên là cái gì, nó ghê gớm ra sao và làm thế nào để “có″ được nó?

1. “Duyên” là gì? 

Nếu cần có một lời “định nghĩa” ngắn gọn, thì xin tạm gọi: “Duyên” là một biểu hiện tổng thể tự nhiên, là một yếu tố tự thân của mỗi người để thu hút sự quan tâm của người khác.
Cái sự duyên không có gì to tát cả: nó đến từ hai yếu tố chính: ngoại hình và cách giao tiếp của ta. Và đây là điều mà ai hoàn toàn có thể cải thiện được.

“Duyên” từ vẻ bề ngoài
Chắc chắn ta đã từng gặp những người có sức hút rất lớn ngay từ lần gặp đầu tiên, từ nụ cười đến mái tóc, ánh mắt… tất cả đem lại cho ta một cảm giác thích thú lạ kỳ. Nhưng cũng có người mới gặp lần đầu ta đã thấy…ghét, chỉ vì mái tóc hơi bù xù, cái điệu cười thô lỗ hoặc ánh mắt nhìn thật là nham nhở… Xin lỗi khi đọc đến đây có lỡ động chạm đến ai đó thì xin bỏ qua, nhưng thực sự là trong đời thường, chúng ta đã từng trải qua cảm xúc như thế.


Vẻ đẹp hình thể, khuôn mặt của mỗi người là trời cho, ta không thể thay đổi được. Xin chúc mừng bạn nếu bạn có một vẻ mặt ưa nhìn, ánh mắt gây thiện cảm trong lòng người đối diện… nhưng cũng bạn cũng đừng vội buồn vì sinh ra không được xinh đẹp như người khác. Vẻ đẹp ngoại hình chỉ là điều gây thiện cảm trong những lần đầu; còn về lâu dài thì tính cách, trí tuệ, cách ứng xử của một người mới tạo dựng hình ảnh người đó trong lòng mọi người, gieo vào lòng họ tình cảm sâu sắc, thân thiết. Mặt khác, bạn hoàn toàn có thể cải thiện ngoại hình sao cho có duyên mà không cần đến phẩu thuật thẩm mỹ.

Hãy để một mái tóc ưa nhìn, hợp với khuôn mặt, ăn mặc hợp với dáng người, hợp với tuổi tác, hợp với nghề nghiệp, công việc đang làm, hợp bối cảnh, giữ cho người luôn sạch sẽ, gọn gàng khi xuất hiện trước người khác…Ít nhất, nếu không có sức hút trong lần đầu tiên, bạn cũng gây được thiện cảm trong lòng họ. Tạo thêm một dáng vẻ tự tin thì chắc chắn sức hút “duyên ngầm” của bạn càng tăng thêm nữa đấy.

Để tạo dáng vẻ tự tin, bạn hãy giữ cho khuôn mặt tươi tắn, mắt luôn nhìn thẳng, đứng thẳng người, và luôn mỉm cười nhẹ nhàng tạo sự thân thiện.

“Duyên” trong cách ứng xử giao tiếp

Điều này là cực kỳ quan trọng, bởi không ít người bị người đối diện chê bai, nhận xét này nọ vì: “ăn nói kỳ cục, không biết cách ứng xử, nói chuyện vô duyên…” Người xinh xắn, ngoại hình dễ nhìn đến đâu mà ăn nói hời hợt, nói không đúng nơi đúng chỗ thì chắc chắn cũng không bao giờ được lòng người khác.

Cách ứng xử giao tiếp đúng đắn của ta thể hiện con người của ta, khiến ta trở nên dễ gần hơn, đáng yêu hơn, và dĩ nhiên có “duyên” hơn trong mắt người khác rồi.

2. “Duyên thầm”?

Cái duyên ở mỗi người được thể hiện theo những cách khác nhau, sự cảm nhận cái duyên ấy ở người này với người khác cũng không giống nhau, cho nên với cùng một nét duyên, có thể nó là “thầm” với người này, mà “không thầm” với người khác.

Nói chung, “duyên thầm” là “loại” duyên khó nhận thấy, nhưng không phải không thể nhận thấy, chỉ là nó kín đáo hơn “loại” duyên “không thầm” thôi. Sự kín đáo ấy thể hiện ở cách cư xử nói chung, ở những khoảnh khắc thể hiện cái duyên đúng lúc, đúng chỗ, đúng mức độ; như một nụ cười động viên, một cái nháy mắt tinh nghịch để gửi gắm một thông điệp ý nghĩa, một cái siết tay chủ động và chân thành, một cách nói chuyện hóm hỉnh vào đúng lúc cần thiết để mang đến cho những người xung quanh cảm giác gần gũi và ấm áp… Tất cả diễn ra một cách tự nhiên nhưng kín đáo, hiệu quả nhưng không phô trương…

Còn cái duyên tự nhiên (“không thầm”) thì được thể hiện thường xuyên hơn, cởi mở hơn, thường thấy ở những người nhiệt tình, năng động, niềm nở, sống có chí hướng…

Cái “duyên thầm” nếu không được thể hiện đúng lúc và đủ mức độ thì dễ khiến người khác tưởng lầm là nhạt nhẽo, vô vị.

Cái “duyên không thầm” nếu được thể hiện quá đà thì dễ trở thành “vô duyên”, “vô ý tứ”, “thiếu ý thức”…  Cái duyên không xuất hiện từ bất cứ sự gượng ép, cố tình nào. Cố gắng làm cho người khác nhận ra và đề cao nó… chính là một cách để đánh mất nó. Có ai đó đã nói: “Sắc đẹp theo một con người chỉ một thời, chì có cái duyên mới theo người đó mãi mãi”

3. Hồi nhỏ thì được khen là có duyên, lớn lên thì không?

Đó là suy nghĩ của nhiều người khi theo dõi và đánh giá một người nào đó mà mình biết từ khi người ấy còn bé đến lớn. Vậy là tại sao?.

- Trẻ con có cái duyên của trẻ con: có khi chỉ là một nụ cười - nhẹ nhàng hoặc rạng rỡ, có khi chỉ là một sự quan tâm nhỏ bé nhưng rất chân thành, có khi là những câu nói lém lỉnh hay những hành động dễ thương bất ngờ…, tất cả xuất phát từ bản chất hồn nhiên khiến cho người khác cảm thấy dễ chịu, vui vẻ. Đó là cái duyên hồn nhiên

- Người lớn có cái duyên của người lớn: cũng là những nụ cười, là những cử chỉ quan tâm, hay những lời nói làm người khác cảm thấy dễ chịu…, nhưng nó không còn xuất phát từ sự hồn nhiên như thời thơ trẻ, nó xuất phát từ một tâm hồn trong sáng, nhân bản, vị tha; từ nơi có những ý nghĩ hướng thiện, cầu tiến…

Cái duyên của người lớn và trẻ con không giống nhau (từ “người lớn” ở đây tạm thời được dùng để tính cả những người ở lứa tuổi đang trưởng thành). Không ai có thể giữ được nét duyên thuở nhỏ của mình cho tới lúc lớn lên, mà chỉ có thể chuyển nó thành một kiểu duyên khác phù hợp thôi, đấy là qui luật, cũng là một điều hiển nhiên.

Không ai có thể quay lại thời ấu thơ của mình, vì thế ý muốn “lấy lại” cái duyên của thời xưa, có lẽ không cần thiết.
Thay vì tìm cách lấy lại nó, ta nên suy nghĩ để tự hình thành cho mình một cái duyên mới!

4. Làm sao để có “Duyên”?

Như tôi đã viết ở trên, không thể gượng ép để chủ động tạo ra cái duyên cho mình. Muốn “có duyên”, mỗi người chỉ có thể hướng mình tới những suy nghĩ (và cả hành động) tốt đẹp, rèn cho bản thân một cái tâm hướng thiện, học cách sống nhân ái, vị tha, học cách đặt ra những mục tiêu tích cực để cố gắng cải thiện chính mình, gạt bỏ những thói quen vị kỉ, những sự đố kị, ghen ghét, tránh xa những ý định không hay…

Vậy thế nào là cách cư xử đúng mực, có duyên? Trả lời câu hỏi này cũng thật hơi khó, vì mỗi người có một quan điểm khác nhau về cách ứng xử, trò chuyện. Ví dụ như có người thì thích một anh chàng trí thức, nói chuyện kiểu hiểu biết, bác học, nghiêm chỉnh. Có người lại thích anh chàng hài hước, hay pha trò, hay cười trong khi nói chuyện… Và điều này vô hình chung làm cho nhiều người tưởng nhầm cách nói chuyện của mình có sức hút, là hay, song phía người đối diện lại cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Cũng có người khi trò chuyện với người ngang hàng thì đưa lại thiện cảm cho người đối diện, nhưng với người lớn tuổi thì không được đón nhận… Vậy phải làm sao để nói chuyện có duyên, vừa lòng người khác đây?

a. Phong cách trò chuyện phù hợp với đối tượng

Tùy vào tính cách người nghe mà trò chuyện phù hợp với sở thích của họ. Ở đây không có nghĩa là lấy lòng họ mà là để đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất, ta nên tùy người mà tiếp chuyện. Không thể giữ một phong cách trò chuyện với cả người hướng nội lẫn hướng ngoại, cả nam lẫn nữ, thân thiết lẫn không thân, lớn tuổi lẫn nhỏ tuổi…

b. Trang phục phù hợp với bối cảnh giao tiếp

c. Hạn chế cử chỉ thiếu tế nhị, tùy tiện

Nhiều người mới đến nhà người khác đã có những cử chỉ khá thoải mái, thậm chí là vô ý như nói quá to vào lúc giữa trưa, tự ý lục lạo tủ lạnh, sử dụng đồ đạc của người trong nhà… Trừ khi ta quá thân thiết với chủ nhà hay là bạn thân của mình, còn ngay cả với bạn cùng lớp hay nhà bà con xa, ta cũng nên lưu ý điều này, đặc biệt là với người khó tính.

d. Đừng ngồi lê đôi mách

Cái này thì ta hiểu quá rõ, và ta cũng ghét mẫu người hay ngồi lê đôi mách chuyện của người khác, đúng không?

e. Không giữ bộ mặt cau có, lầm lì dù bất cứ lý do gì

Cho dù ta đang có chuyện bực mình, không hài lòng với ai đó, thì một bộ mặt cau có chẳng bao giờ được chào đón. Nhiều người biết điều này nhưng vẫn không thay đổi được vì họ nghĩ khi làm mặt giận như vậy, người kia và những người xung quanh sẽ cảm thấy nể sợ họ hay thấy có lỗi mà làm hòa với họ. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho ta trở nên khó nhìn, khó ưa trong mắt mọi người.

Còn nhiều điều nữa ta phải học để trở nên “có duyên” đấy. Tốt nhất là nên đọc thêm trong sách và chịu khó quan sát cuộc sống, những người xung quanh mình, ta sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.

Sau một loạt các cố gắng ấy, chỉ còn cần mỉm cười với chính mình, với những người xung quanh, với cuộc sống…, cư xử hòa nhã, bao dung, sống tự tin, và tự nhiên mọi người sẽ nhận ra cái duyên của ta.

Sưu tầm

Share This:

Liên Quý

Chào mừng các bạn đến với Blog Liên Quý. Blog này chia sẻ tin tức, thể thao, xã hội, kinh tế, công nghệ, mẹo vặt... Rất mong được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn bằng cách comment bài viết, chia sẻ bài viết hoặc liên hệ với chúng tôi qua blog này! Xin cảm ơn!

Mời bạn bình luận cho bài viết " Cái "Duyên" trong cuộc sống "

  • To add an Emoticons Show Icons
  • Sử dụng code [pre]code here[/pre]
  • Chèn ảnh [img]IMAGE-URL-HERE[/img]
  • Các bạn lưu ý: Bình luận bằng Tiếng Việt có dấu, không spam link, không sử dụng những lời lẽ thô tục, vi phạm thuần phong mỹ tục. Xin cảm ơn!